Tùng Mộc
Văn Hóa
Việt Đức: Đây là phim nhựa có thời lượng gần 100 phút.
Chuyện phim thông qua hồi tưởng của một
vị Tăng trẻ về cái chết của vợ và con của ông. Cái chết không phải từ vũ khí mà
do nhiễm chất độc da cam. Phim sản xuất năm 1983.
Năm đó, tôi đang công tác ở Đà Lạt, nghỉ tại
khách sạn Duy Tân. Một buổi sáng vừa bước ra sân thì thấy một “tiên nữ” sóng tóc
bồng bềnh buông dài đến lưng, đầu đội mũ lá rộng vành, đang từ tầng trên đi xuống
cầu thang bên trái. Sau đó tôi gặp diễn viên Thế Anh đang nghỉ cùng phòng với đạo
diễn Nguyễn Ngọc Trung thì mới biết đó là diễn viên Hoàng Cúc.
Trước đó ở Hà Nội, đã xem Hoàng Cúc tham gia
trong vở kịch Hà Mi của tôi và kịch Tôi và chúng ta của đoàn kịch Hà Nội. Nhưng
hôm đó rất ngỡ ngàng vì thấy Hoàng Cúc ngoài đời sao đẹp quá. Biết thêm là
Hoàng Cúc và Thế Anh được đạo diễn Nguyễn Ngọc Trung của Hãng phim truyện Việt
Nam mời tham gia hai vai chính trong phim Hồi chuông màu da cam.
Thế anh vào vai chính là Phan Nam – một sĩ quan
phi công của chế độ Việt Nam Cộng hòa, đơn vị đóng tại Đà Lạt. Anh rất hạnh phúc
bên người vợ là Thu Trang đẹp như thiên thần.

Vợ chồng trẻ rất hạnh phúc

Thu trang cầu nguyện cho vợ chồng cô được may mắn
Hạnh phúc của vợ chồng Phan Nam được nhân lên
khi biết sắp có đứa con đầu lòng. Thế nhưng, hình hài đứa con sinh ra không được
nguyên vẹn, vì Thu Trang bị nhiễm chất độc da cam từ chồng mình.

Ngày sinh nở đã đến
Phan Nam không ngờ những lần anh lái phi cơ giải
thuốc diệt cỏ lại chính là chất độc da cam mà người Mỹ khi giao phi vụ cho anh
đã không nói rõ. Bản thân anh đã bị nhiễm hóa học này và truyền sang vợ. Kết quả
là đứa con ra đời cũng bị quái thai.
Thu Trang cay đắng và thất vọng vì sự sống của
cả hai vợ chồng sau này sẽ tàn úa và không thể có con vì chất độc da cam. Cô để
lại bức thư cho chồng và kết liễu cuộc đời trẻ trung của mình ngay trên chiếc
giường vợ chồng cô đã từng sống hạnh phúc.

Nỗi đau khi biết sự thật về hình hài đứa con mới
sinh ra, Thu Trang đã tự vẫn
Phan Nam đang đọc lá thư tuyệt mệnh của vợ
Sau cái chết của vợ, Phan Nam đã ẩn mình trong
chùa để buông bỏ những đau thương vào dĩ vãng.
Nhưng sau khi được một bác sĩ người Mỹ cho biết
sự thật về tác hại của “thuốc diệt cỏ” chính là dioxin, và bản thân Phan Nam
cũng đang bị hóa chất da cam phát tác trong cơ thể.
Đơn kiện của Phan Nam chính là câu chuyện được
kể lại bằng hình ảnh. Phan Nam đã kịp viết đơn tố cáo về chất độc da cam trước
khi nhắm mắt.
Vai Thu Trang của Hoàng Cúc tuy là vai chính thứ,
nhưng để lại ấn tượng trong tôi suốt 37 năm qua về sự hóa thân vai Thu Trang ngọt
ngào và rất sâu sắc.
Nhân vật Thu Trang không có hành động diễn nhiều,
đó chính là vai diễn khó, chủ yếu tập trung vào nội tâm từ ba trạng thái… hạnh
phúc – đau khổ – thất vọng… Nhiệm vụ của diễn viên là chuyển tải thông điệp số
phận của nhân vật Thu Trang với người xem thấy tác hại của chất độc da cam.
Hoàng Cúc đã không phụ lòng đạo diễn và phụ niềm tin nơi người xem, thể hiện rất siêu nội tâm của nhân vật.
Mỗi cảnh quay, Hoàng Cúc không bỏ lỡ cơ hội diễn
xuất của mình, lôi cuốn sự chú ý của người xem từng giây, từng phút.
Cặp mắt của Hoàng Cúc như biết nói trước ống
kính. Ngôn ngữ điện ảnh được Hoàng Cúc lột tả rất giá trị, từ ánh mắt lúc ngước
lên, lúc nhìn xuống, lúc hiêng hiếng giao duyên với chồng. Khóe môi thắm thiết
khi cười và héo úa khi thất vọng…
Xem phim, khán giả trước hết quan tâm đến nội
dung để biết các nhà làm phim nhắn nhủ thông điệp gì với người xem. Điều quan
trong đi đôi là diễn xuất của người nhập vai lôi cuốn khán giả có lý do không bỏ
dở dang khi chưa xem hết.
Diễn xuất của Hoàng Cúc góp phần quan trọng
nâng giá trị của nghệ thuật phim. Bất cứ ai xem phim Hồi chuông màu da cam đều
thấm thía và… hay quá.
Phim Hồi chuông màu da cam đã đoạt giải Bông
Sen bạc của Liên hoan phim Việt Nam và giải đặc biệt trong Liên hoan phim
Carlovy tại Tiệp Khắc cũ.
Bài viết ngắn này để cám ơn những người tham
gia bộ phim, và thân yêu tặng Hoàng Cúc, nay đã là… Nghệ sĩ Nhân dân.