Trúc Xanh
Văn Hóa
Việt Đức: Mỗi
lần nhớ đến chị Đặng Tuyết Mai lại ứa nước mắt. Không chỉ riêng tôi mà những
người bạn nhắc tới chị là nhớ da diết.
Một người đàn bà đẹp quý phái rời gót địa vị
phu nhân phó Tổng thống Việt Nam cộng hòa, sau bao nhiêu năm vẫn giữ nguyên cốt
cách của người có gia phong, có học thức, điềm đạm, nhân ái.

Chị Đặng Tuyết Mai cùng chồng cũ (Phó Tổng thống
Nguyễn Cao Kỳ)
khi còn ở chế độ Việt Nam Công Hòa ở Saigon
Nói năng từ tốn, luôn trầm giọng, đi đứng khoan
thai, bước chân nhẹ như lướt trên cỏ. Dường như chị chưa bao giờ nổi nóng với
ai, khó có thể nhìn thấy cái chau chân mày của chị. Đó là lý do chị… “Trẻ mãi
không già”. Chúng tôi học được ở chị rất nhiều.
Ít người biết chị Đặng Tuyết Mai cũng là một Phật
tử. Sinh ra ở Hà Nội, nhưng từ nhỏ theo gia đình định cư ở Saigon, chị ảnh hưởng
tâm Phật của mẹ nên nhiều chục năm sau vẫn theo Phật giáo.
Sau này về Việt Nam chị có một cái thất riêng để
hàng ngày niệm Phật. Có lần chị kể: Chị có người em trai bệnh nặng, đêm ngày
đau đớn không thể ngủ được. Người em trai luôn năn nỉ chị, nếu thương cậu ấy
thì niệm Phật cho cậu ấy được ngủ yên mãi mãi. Đã từng chứng kiến thời gian dài
người em đau quằn quại không đêm nào ngủ được làm chị luôn rớt nước mắt nên chị
đã cầu nguyện cho cậu ấy được an giấc. Và lời cầu nguyện đã được chứng giám.
Chị rất siêng thể thao và ăn uống đúng mực để
giữ cho hình thể luôn được thon đẹp. Mỗi lần chị xuất hiện là một model khác,
ai cũng khen. Chị cười thành tiếng nói: “Mình có phải may gì đâu, tất cả túi
xách, vòng cổ, chuỗi tay, bông tai, quần áo là của Kỳ Duyên nó “thải” ra, mình
“xài” hoài không hết.
Đúng vậy, Kỳ Duyên là bản sao của chị, lại là
MC nên vô vàn váy, áo model.
Thủa đó, chúng tôi thường gặp nhau. Lúc thì ở
“Sỏi đá cafe” đường Ngô Thời Nhiệm. Khi thì ở nhà riêng của ca sĩ Nhật Hạ ở khu
Phú Mỹ Hưng. Và, hàng năm, vợ chồng anh Henri Hà – Minh Tâm (giám đốc Hotel Sofia Plaza
Saigon ở đường Lê Duẩn Q. 1) mời chúng tôi đến dự Noel, thường là vào dịp đêm
giao thừa đón chào năm mới hoặc dự sinh nhật của chồng hoặc vợ. Lần nào cũng có
các ca sĩ hải ngoại đến hát chung vui. Những đêm vui đó thường có dạ hội hóa
trang nhẹ, đeo mặt nạ, đốt pháo giấy, uống rượu vang, và… nhẩy. Chị Tâm vơ anh
Henri Hà có giọng hát trầm ấm rất tuyệt. Do đam mê Bolero nên hay tổ chức các
đêm diễn ca nhạc tại khách sạn, cho Phạm Duy, Tuấn Ngọc, Tuấn Khanh, Lệ Thu,
Duy Quang, Giao Linh v v… Nên chúng tôi có nhiều cơ hội “đàn đúm” với nhau,
chưa kể có nhà hàng nào mới là rủ rê nhau đến thưởng thức. Tha hồ chuyện tiếu
lâm, vui bất tận.

Chị Tuyết Mai (đứng thứ 3 từ phía trái) đứng cạnh
là anh Xuân Hiến chồng sau này
và ca sĩ Nhật Hạ áo trắng – tại khu Du lịch
Bình Quới của Saigontourist
Cùng là dân Hà Nội với nhau, chúng tôi thường
ngồi “tám” với nhau về những kỷ niệm bát phở xưa của đất Kinh kỳ. Những tiếng
rao… “phơ…” của phở gánh. Những quán phở chỉ đi ngang qua thôi là hương phở quyến
rũ chào mời, khó khống chế được cái chân không bước vào. Thủa ấy, nước phở thơm
lừng ninh từ xương bò, chứ không phải mùi phở mỳ chính như bây giờ.
Năm 2009, chị phối hợp với đầu bếp quán “Bún
ta” để mở quán “Phở ta”. Khi hình thành công thức nấu nồi phở, chị chế biến tại
bếp của quán “Bún ta”, mỗi lần nấu xong gọi bạn bè đến nếm thử để góp ý. Vì nấu
ăn với nhau khác, nhưng nấu để bán là một khoảng cách xa về chất lượng và văn
hóa phục vụ.
Vào giữa tháng 8. 2009, chúng tôi bước vào quán
“Bún ta” đã thấy chị ngồi đợi. Sau đó cả đám kéo nhau ra sân ngồi quanh cái bàn.
Trong khi chờ phở mang ra, chị Tuyết Mai cho biết sẽ khai trương quán “Phở ta”
và 9 giờ ngày 9. 9. 2009.

Chị Mai trong nội thất quán “Bún Ta” cũ đang đợi
chúng tôi đến
để nếm phở trước khi khai trương “Phở ta”
Tôi liền thầy giùi chị:
- A… Nếu
vậy thì thế này – Biết tôi là dân ẩm thực nên chị Mai và mấy người cùng hóng mặt
lên nghe – Hôm đó mỗi phòng chị xếp 9 cái bàn, mỗi bàn đặt 9 cái ghế, mỗi tô phở
có 9 miếng thịt. Giá mỗi tô 39 ngàn đồng. Nếu khách đi đoàn 9 người thì giảm 9
% khi thanh toán.
“Đúng rồi. Đúng rồi”. Tất cả reo lên, thế là cười
vãi nước mắt. Có người đập bàn rầm rầm cười không thành tiếng.
Sau ngày khai trương quán “Phở ta” khách đến ăn
như đi hội, phục vụ không kịp, mấy người rửa bát đĩa khua loảng xoảng khiến cho
cái bát nào, cái đĩa nào cũng sứt một tý. Thỉnh thoảng chị Mai lại phải thay một
loạt bát đĩa mới mà toàn bát đĩa kiểu nên rất đắt.
Thực ra, Đặng Tuyết Mai muốn đạt được ước mơ nấu
phở của mình là chính, đó là hạnh phúc nhất của chị. Nhưng thấy cái cảnh đám
nhân viên phục vụ vô trách nhiệm trong quán thì chẳng hy vọng có lãi.
Là người kỹ tính nên chị thay đổi liên tục người
quản lý. Nghĩ buồn cho kỹ năng đào tạo nghề bếp và phục vụ của các trường dạy
nghề. Sản phẩm của họ đào tạo đại trà ra, khi làm việc trong các khách sạn, nhà
hàng thì đều không đạt chất lượng. Nhất là các Nhà hàng trong các khách sạn hạng
sao phàn nàn rất nhiều về điều này.
Từ khi mở quán, chị Mai thường đến sớm để giám
sát việc bếp núc, kiểm tra chất lượng nước phở. Khi khách đông, chị thường tự
tay bày bánh phở, thịt rau vào tô phục vụ khách cho kịp.Trong thời gian đó,
phong thái chị nhanh nhẹn, gương mặt luôn tươi tắn, trẻ hẳn lên.

Mỗi khi xuất hiện tại quán là Tuyết Mai lại tự
tay làm phở cho khách,
thêm lý do khách yêu mến “Phở ta”

Nhìn tô “Phở ta” là thấy chất lượng văn hóa nghệ thuật phở
Hà Nội xưa đúng nghĩa
Khách đến ăn hầu hết vì tên tuổi của chị. Hơn
thế nữa là chất lượng phở ngon, kiến trúc quán và nội thất sang trọng với phong
cách hiện đại của quán phở thời @ nhưng toát lên tinh thần thân thiện với tất cả
đối tượng khách trong và ngoài nước khi đặt chân từ cửa cho đến bước vào phòng
ăn.
Thời gian đầu chị Tuyết Mai chỉ thuê căn bên
trái (mặt đường nhìn vào) của biệt thự 14 Lê Quý Đôn. Từ xưa tới nay nhiều người
muốn thuê cả ngôi biệt thự này nhưng chủ nhà không đồng ý. Nhưng khi Tuyết Mai
đặt vấn đề thuê nốt căn bên phải thì chủ nhà… OK. Chị đã “vẩy” ra thêm một gian
phụ bên phải hoàn toàn bằng kính để khách thích coffee thì vào, và thích “Hát
cho nhau nghe” vào buổi tối thì đến. Quán có tên “Thủy Mộc”, tôi rất thích coffee
và chè rau câu đậu xanh ở đây. Một thời gian sau nữa chị “bung” thêm quán ăn
cao cấp trên tầng của quán coffee nhưng chỉ bán buổi tối.

Sau này chị “Phở ta” thuê nốt căn thứ hai bên
phải (nhìn từ ngoài) của ngôi biệt thự
để kinh doanh thêm coffee và ẩm thực đặc
sản buổi tối
Từ “Phở ta”, số 14 Lê Quý Đôn trở thành điểm hẹn
thân quen bất kể sáng – trưa – tối bạn bè của chị. Cho đến nay “Phở ta” đã đi
vào kỷ niệm, những kỷ niệm đẹp sâu sắc khó quên về một quán phở của một người
đàn bà Việt Nam rất đặc biệt. Không những đẹp và đa tài.
Tuyết Mai có giọng hát khá hay. Một giọng chân
thực, đượm buồn, nhưng sành điệu, một chút kiêu sa, nhưng không phô trương. Thỉnh
thoảng hát cho chúng tôi nghe trong không khí tràn ngập tiếng vỗ tay tán thưởng
và ánh mắt yêu thương, gần gũi.

Chị Tuyết Mai (áo đầm xanh ngồi giữa) trong tiệc sinh nhật của Minh Tâm
(vợ anh Henri Hà giám đốc khách sạn
Sofitel Plaza Saigon) tại KS Sofitel Saigon
Chị có ý định biên soạn nhật ký của mình thành
sách để in và muốn tôi chấp bút. Nhưng tôi là dân sống trong cái nôi cộng sản Hà
Nội. Mặc dù đã sống vài chục năm ở Saigon, nhưng thời của chị Tuyết Mai là phu
nhân phó Tổng thống có quan hệ nhiều trong giới quân đội Việt Nam Cộng hòa. Một
quân đội được huấn luyện kiểu Mỹ hóa. Và thời gian dài chị sống ở Mỹ nữa, tôi
không dám liều nhận lời giúp chị, vì biết mình khó có thể giúp chị thành công. Cho
đến lúc này, không biết là nhật ký của chị được thực hiện và in thành sách
chưa.
Chúng tôi yêu Đặng Tuyết Mai không phải vì cái danh
“phu nhân Tổng thống” cũ của chị, cũng không phải vì chị là mẹ của MC Cao Kỳ
Duyên, mà yêu phẩm chất sống của chị. Cho dù cuộc sống biến đổi thế nào, nhưng
Đặng Tuyết Mai vẫn là một chân dung đáng kính, đáng trân trọng.